Nở rộ cà phê xe đẩy ‘sạch’ trên vỉa hè Sài Gòn

Không chỉ cá nhân mà ngay cả công ty lớn cũng đẩy mạnh kinh doanh trên vỉa hè tuyến phố đông đúc.

Một năm nay, chiếc xe đẩy cùng với những ly cà phê của Hoàng đã trở nên thân thuộc trên đường phố Sài Gòn. Hoàng kể, sở dĩ mở ra cà phê xe đẩy là để tiếp cận khách hàng nhanh hơn thay vì phải tốn nhiều chi phí thuê mặt bằng. “Tôi dùng cà phê sạch rang xay và đảm bảo không pha trộn nên được khách hàng thích. Mỗi ngày, xe đẩy trên phố Nguyễn Oanh (Gò Vấp) có thể bán được 50 – 100 ly”, Hoàng nói.

Sau khi trừ chi phí, quầy cà phê xe đẩy của Hoàng có thể lãi 400.000 – 500.000 đồng mỗi ngày. Anh cho biết sẽ triển khai thêm 4 – 6 xe đẩy ở các phố khác tại TP HCM để tăng nhận diện thương hiệu.


Một chuỗi cà phê xe đẩy "sạch" trên vỉa hè Sài Gòn . Ảnh: Thi Hà.

Cũng giống Hoàng, chủ chuỗi cà phê xe đẩy khác tên Thắng ở đường Điện Biên Phủ cho biết mỗi ngày lãi nửa triệu đồng nhờ bán được gần trăm ly, giá từ 10.000 đến 12.000 đồng dù mới làm thử mô hình này nửa năm. Đến nay, Thắng đã có 5 cửa hàng cà phê xe đẩy kiểu này ở Sài Gòn.

Xu hướng bán cà phê nguyên chất, rang xay và pha máy tại chỗ trên phố ngày càng nở rộ ở Sài Gòn. Dọc các con đường Phan Văn Trị (Gò Vấp), Xa lộ Hà Nội (quận 2), Điện Biên Phủ (Bình Thạnh)…, các chuỗi cà phê xe đẩy gắn mác “sạch” mọc ra như nấm. 

Thông thường, mỗi xe đẩy cần hai nhân viên, chủ yếu là sinh viên đứng bán. Mô hình này khá dễ làm lại nhận diện thương hiệu nhanh, không bị chôn vốn. Các chủ hàng cho biết, chỉ cần chăm chỉ và bán hàng chất lượng sẽ thu hút nhiều khách. Mặt khác, nếu làm tốt sẽ có lượng khách quen và có thể mở rộng quy mô, tìm cho mình một mặt bằng phù hợp.

Không chỉ các tiệm xe đẩy nhỏ lẻ, một số công ty có thương hiệu cũng lấn sân mô hình này.

Gần đây, chuỗi cà phê, kem và thức uống khác mang thương hiệu Shalala với hàng chục cửa hàng trên cả nước cũng đã triển khai mô hình xe trolley cà phê khắp các con đường ở TP HCM. Để mở rộng chuỗi, đơn vị này đã chọn hình thức nhượng quyền với các mô hình xe đẩy, ki ốt và cả container.

Nhưng mô hình chuỗi cà phê xe đẩy cũng gặp khó khăn về quản lý đô thị. Do đó, mới đây Shalala chọn cách kết hợp với các đối tác là hệ thống cửa hàng tiện lợi và siêu thị để thuận tiện trong kinh doanh. Theo đại diện của Shalala, họ sẽ triển khai 20 xe trolley ở các điểm bán của cửa hàng tiện lợi FamilyMart. Đa phần xe đẩy này được đặt trước hoặc trong cửa hàng.

Cũng chọn cách nhượng quyền hoặc kết hợp với đối tác, Coffee Bike – đơn vị đi đầu trong phát triển chuỗi cà phê xe đẩy ở vỉa hè đã chuyển đổi sang mô hình cửa hàng nhỏ 50-80 m2. Trước đó, Coffee Bike đã phát triển "thần tốc" chuỗi xe đẩy lên 34 ở Hà Nội, TP HCM và 6 cửa hàng nhượng quyền. Tuy nhiên, sau chiến dịch vỉa hè của các thành phố lớn, Coffee Bike buộc phải giảm số lượng xe đẩy chỉ còn vài chiếc. 

Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Quốc Anh, Giám đốc chuỗi Coffee Bike cho biết, mô hình cà phê xe đẩy khá nở rộ trong 2 năm gần đây. Sắp tới, có thể không chỉ là cà phê mà còn là cuộc “đổ bộ” của các loại nước giải khát khác. Tuy nhiên, theo ông mô hình kinh doanh trên xe đẩy không bền vững.

“Vấn đề về mặt bằng đô thị khiến mô hình xe đẩy hạn chế và buộc phải có cửa hàng. Do đó, Coffee Bike đã chuyển đổi sang cửa hàng và phát triển nhượng quyền. Sắp tới, mô hình sẽ nhân rộng ở Quảng Nam, Đồng Tháp và Bình Dương và có thể nâng lên 18 điểm bán hàng đến hết năm 2018”, ông Anh nói.

Đại diện chuỗi cà phê này cũng nhận định, mô hình xe đẩy vẫn khá tiềm năng nhưng nếu không phát triển đúng và tạo hướng đi riêng sẽ thiếu bền vững và chỉ là trào lưu “sớm nở tối tàn”.

Thi Hà
Vnexpress.net

Bài viết liên quan