Với nền văn hóa ẩm thực đa dạng, Việt Nam tự hào là nơi có rất nhiều đặc sản trải dài trên khắp mọi miền đất nước. Những đặc sản này là niềm tự hào của người dân bản xứ nói riêng và của người Việt nói chung.
- Những cuốn sách nhất định bố mẹ nên mua làm quà Trung thu cho con
- Những câu nói khiến các bé gái ngày càng tự ti và nhút nhát
Sau một thời gian đề cử, bình chọn, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings công bố Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam – 2017. Đây là những đặc sản nổi tiếng, rất thích hợp để làm quà tặng cho người thân sau mỗi chuyến hành trình.
Dưới đây là Top 5 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam – 2017 trong danh sách 10 món đặc sản Việt Nam do VietKings công bố:
1. Chè Shan tuyết Suối Giàng (tỉnh Yên Bái)
Bất kỳ ai khi đến với Suối Giàng đều ấn tượng những cây chè Shan Tuyết to lớn thân nhuộm màu trắng mốc, uốn lượn nhiều cành buộc người hái phải trèo lên mới thu hoạch được. Chè ở đây búp to, phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết. Bởi thế người ta gọi là chè Shan Tuyết.
Để pha được một ấm chè Shan Tuyết thơm hương, đậm vị và nước màu vàng óng, người dân ở Suối Giàng thường dùng loại ấm đất nung già và nước trên núi chảy về đun sôi đủ độ. Sau khâu tráng chè là chế nước sôi vào đầy ấm để bọt trào ra ngoài, đậy nắp lại chờ chừng 10 phút. Chè được rót làm hai lượt để các chén có màu và vị như nhau.
2. Bánh đậu xanh Hải Dương (tỉnh Hải Dương)
Bánh đậu xanh được sản xuất từ bột đậu xanh nguyên chất, đường trắng tinh luyện và dầu thực vật. Bánh đậu xanh là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng thích hợp với mọi lứa tuổi nhất là người già và trẻ em.
Thưởng thức món đặc sản miền Bắc này cũng cần một nghệ thuật. Khi thưởng thức bánh đậu xanh Hải Dương phải chầm chậm cho từng miếng một vào miệng, để từng miếng bánh tan vào trong miệng mới cảm nhận hết được vị ngon của bánh. Thêm một chén trà nóng bạn sẽ thấy bánh thật ngậy và thơm ngon, mát dịu.
3. Kẹo Mè xửng (tỉnh Thừa Thiên – Huế)
Tên gọi của kẹo mè xửng do hai yếu tố tạo thành bao gồm mè (vừng) và xửng (cách hoán đường thành chất dẻo cô đặc). Mè xửng có độ dẻo đến mức có thể cuộn tròn hoặc bẻ gập thanh kẹo, nhưng bỏ tay ra nó lại trở về tư thế ban đầu. Mè xửng giòn, thành phần bột đậu nhiều hơn, đường ít hơn, được bọc ngoài một lớp bánh đa nướng, ăn giòn tan trong miệng. Mè xửng gương, giơ lên ngắm thấy trong suốt như gương. Mè xửng đen gồm toàn vừng đen bùi và bổ…
4. Tỏi Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi)
Tỏi Lý Sơn là loại tỏi quý ở Việt Nam, nó được trồng trên đất đảo Lý Sơn, vùng đất được hình thành do quá trình hoạt động núi lửa và sự bồi đắp của cát biển, đá san hô biển tạo nên, với sự đặc biệt về thổ nhưỡng và kinh nghiệm truyền thống bao đời từ khi khai sinh vùng đất đảo đã làm cho tỏi Lý Sơn có hương vị riêng và đặc biệt.
5. Rượu Bàu Đá (tỉnh Bình Định)
Rượu Bàu Đá đã từng được nhà thơ Nguyễn Duy phong là "Đệ nhất tửu" sau khi ông vào tận nơi để thưởng thức. Rượu Bàu Đá là sự cộng hưởng của nhiều nhân tố. Đầu tiên đó là sự thừa hưởng dòng nước ngọt ngào của ngọn nguồn sông Kôn, được ủ lạnh, lọc trong từ những hộc đá ngầm. Tiếp đến là sự khéo léo, cần mẫn của con người vùng “đất võ trời văn”. Sự cộng hưởng giữa thiên nhiên và tài hoa con người đã tạo nên thứ rượu đậm đà.